Bạn đang ở: Trang chủ Tin tức VÀI LỜI VỀ TẬP THƠ “TỪ KHÓA”

VÀI LỜI VỀ TẬP THƠ “TỪ KHÓA”

Tập thơ in chung của sáu tác giả nhóm Facebach gồm: Đỗ Huy Chí, Nguyễn Đức Hạnh, Đỗ Mạnh Hùng, Trần Hưng, Hoàng Liên Sơn, Minh Trí. 2015. Nxb Hội Nhà văn

Trước tết có hứa với Nguyễn Đức Hạnh và Trần Hưng sẽ viết về Từ khóa. Rồi đón tết phương Nam, rồi bộn bề những… rượu, mãi chả được chữ nào. Nghe bạn bè nhắc mai là Nguyên tiêu. Cứ vừa uống rượu một mình vừa đọc đi đọc lại tập thơ. Thì đây chứ đâu, phần giới thiệu của cuốn sách đã nói đầy đủ cái thần thái của sáu chàng thi sĩ. Mình chỉ việc trích dẫn và phát biểu thêm vài cảm nghĩ nông cạn (lúc trước có hứa viết bài để in báo, nay lại chọn viết một Stt, cho thoải mái).

Đây là Đỗ Huy Chí: “…vẫn cái nhìn trong veo từ thưở Nhịp cầu trẻ con, tưởng bâng quơ mà đằm sâu triết lý…” (Tr 7). Khen lục bát ông này hay thì khác nào khen Trung Quốc đông người, muốn thêm vài nhời thôi: Đỗ Huy Chí nhiều khi phí công làm cả một bài lục bát, trong khi đó chỉ cần hai câu trong bài ấy là đã thành một bài, còn hay hơn bài “mẹ” nhiều: “Cái ngày nhan sắc rong chơi/ Bỏ quên chiếc guốc bên trời lênh đênh”, “Buồn kia trôi tới Kỳ Cùng/ có về được cõi Người Dưng không buồn”,…và nhiều nữa. Nhưng với tôi, Đỗ Huy Chí có hai bài để lại rất nhiều ấn tượng: “Thổ và hỏa” rất suy tư. Và “Lời của Thủy Tinh gửi Mỵ Nương”. Trong thơ, tôi chưa thấy ai nhìn câu chuyện xưa như Chí: “Em về núi tản theo chồng/ Ta dâng cả sóng sông Hồng kết hoa…”. Quá siêu ông ạ. Tôi mà là Mỵ Nương, nằm bên nách cái chàng Sơn Tinh (con ông cháu cha) kia, cứ khóc nhớ chàng rưng rức!
Đây là Nguyễn Đức Hạnh: “…thơ khơi gợi đến mạch nguồn văn hóa (…) chính mạch nguồn miên man ấy dẫn đường cho giác quan người đọc.” (Tr 8). Tôi cũng chả dại gì khen ông này, đoạn trích dẫn trên là đủ, vả, ông ấy cũng thừa chữ để tự khen ông ấy.
Đây là Đỗ Mạnh Hùng: “…đưa vào giữa bài lục bát một khổ thơ mà mỗi câu toàn thanh bằng hoặc trắc: “Đứng chống bóng ngóng sóng/ Lang thang toan sang ngang/ Loạng choạng rượu diệu vợi/ Buồn buồm chiều dàn dàn…”. Nhà thơ cũng phần nào giống như doanh nhân, khi đã bỏ công sức ra hẳn đều mong muốn một giá trị thặng dư nào đó!” (Tr 8- 9). Mong là như vậy. Chỉ có cái, ông này mà bắt tôi lên sàn Nguyên tiêu đọc mấy câu đó của ông, tôi vái. Chắc thơ này phải cảm thụ bằng mắt trên văn bản. Ai yếu vía, đọc to dè chừng… hóc.
Thế thôi, chứ ngoài những chỗ căng mình lởm chởm ấy, thi sĩ này cũng đa tình lắm, lấp la lấp láy (một thủ pháp quen thuộc của Đỗ Mạnh Hùng) lắm: “Một người lơ đãng mắt/ Nhìn theo dáng người xinh”. Lấp láy đến thế này thì không biết còn hơn được nữa không: “Đêm mỏng mảnh, gió mong manh/ Mưa lành lạnh đến, lửa lanh lánh hồng”.
Đây là Trần Hưng, gã xe ôm yêu quý của tôi, nhưng nhòm mãi chả thấy có dòng giới thiệu nào, ngoài một ý gián tiếp: “Nhìn hoang vắng xung quanh có người thơ đã tự thán như một Hiệp sĩ cuối cùng…” (Tr 7). Tôi thấy thi sĩ này có dáng dấp của một hiệp sĩ cuối cùng thật. Trăn trở với từng con chữ: “Sông như tóc đàn bà sổ tung vào biển”, “Mây chiêm nẻ trắng chân trời”, “Mây váy ngắn chân trời sẩm tối”, “Ta là đứa bé ham chơi/ Xách quần đi khắp một thời linh thiêng”,…Nhưng hào hoa: “Cỏ hoang mang cỏ hỗn mang/ Nào ta trải cái tình tang em ngồi”, “YÊN BÁI: Còi tàu kéo riết ga Yên Bái/ Thác Bà ngả xuống ngực miền xuôi/ Xa nhau sông núi thăng bằng lại/ Răng khểnh còn kênh một góc trời”,…Thơ ca liệu có phải là cái cối xay gió không, hay nó là người đẹp, hay nó là cả hai? Chàng hiệp sĩ thời nay cưỡi trên chiếc xe ôm bươm nát vẫn cứ phải lên đường thôi, kệ bố thiên hạ chứ: “Anh đau khổ vì anh tỉnh táo/ Thiên hạ hay cười, thiên hạ hay quên”. Haha, thằng say nào mà chả bảo mình tỉnh táo!!!
Và đây là Những số hạng yêu thương: “Hoàng Liên Sơn đã kịp tiếp nhận cái chân trời ngoài cơm áo (mặc dù cơm áo cũng là một chân trời) (…) chân trời thơ ca, nghệ thuật chăng, hay là các giá trị nhân sinh hài hòa, toàn diện. Dù thế nào, thơ ca cũng thuộc về phía đó.” (Tr 7). Không phải vì tôi chỉ có con gái mà tôi rất thích bài “Thơ vui về con gái”. Tôi thích phong cách thơ này, chả cần màu mè, vần vèo. Tự ánh sáng suy tư và tình thương vô bờ làm nên một áng thơ hay. Thế cho nên, đến tận bây giờ người ta vẫn đi tìm một định nghĩa cho thơ!
Cuối cùng là chàng Kiến trúc sư Minh Trí, vần T nên phải đội sổ thế này đây. Chả sao, con người của cáng đáng mà: “Thơ của Kiến trúc sư Minh Trí năm xưa làm người đọc luôn liên tưởng đến hội họa. Giờ đây, khi về với không gian biển vừa là nơi sinh thành vừa là nơi tạo dựng sự nghiệp, thơ anh lại gợi tấm lòng lo toan cáng đáng, trong khi vẫn lấp lánh tài hoa…” (Tr 8).
Cứ nhắc Minh Trí là tôi lại nhớ đến cái làng chài của anh. Tôi rất muốn quay lại nơi ấy, cùng tìm giúp anh một vì sao rơi năm xưa trên cái nền làng đã chuyển đi nơi khác. Quý nhau thì nói vậy thôi. Mỗi người phải tự tìm ngôi sao của riêng mình. Ngôi sao của Trí chắc vẫn nằm đâu đó trong cát, trong trái tim người bạn gái ấu thơ dù nàng có theo làng đến tận chân mây. Sẽ thấy chứ, thi sĩ nhỉ?
Đóng Stt, tôi trích một lời chúc trong phần giới thiệu tập thơ: “Chúc các tác giả có được một băng thông rộng!”

được ắp xếp dưới:
« Tháng 4 2024 »
Tháng 4
CNT2T3T4T5T6T7
123456
78910111213
14151617181920
21222324252627
282930